HỖ TRỢ PHỤ NỮ NGHÈO CẢI THIỆN SINH KẾ

May 3, 2025 11:35 AM

Công trình đầu tiên, là ngôi nhà sàn dài do Hội Từ Tâm Đắk Lắk huy động nhiều nguồn tài trợ gom vốn xây dựng, sau khi đi khảo sát thực tế, chứng kiến cảnh những người phụ nữ Ê Đê cao tuổi ngồi dệt dưới một chái nhà mượn tạm, không che được nắng mưa.

Nhóm thợ cao tuổi ngồi dệt dưới chái nhà mượn tạm. Ảnh Hội Từ Tâm Đắk Lắk khảo sát thực tế tháng 05/2022

Hội Từ Tâm Đắk Lắk đã làm việc với Ủy ban nhân dân huyện Cư Kuin, và lãnh đạo xã Dray Bhăng, thống nhất chọn vị trí đất xây dựng nhà sàn tặng nhóm thợ dệt thổ cẩm, là đất công trong khuôn viên Nhà văn hóa cộng đồng của Buôn Hra Ea Hning.

Để có đủ kinh phí xây dựng nhà sàn, bên cạnh việc sử dụng nguồn tiền được tài trợ tại Đại hội lần thứ I, Hội Từ Tâm Đắk Lắk đã ký hợp đồng với Công ty CP xây dựng Đại Nam, về việc mua lại 2 khung nhà sàn cũ chất lượng còn tốt về ráp lại, thi công phi lợi nhuận. Hội cũng ký kế hoạch hợp tác với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch,cùng tổ chức đêm nhạc “Điều kỳ diệu từ trái tim”, với sự tham gia không nhận thù ao của các nghệ sĩ nổi tiếng đến từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, và các nghệ sĩ Đoàn Ca múa Dân tộc Đắk Lắk.

Cuộc họp ký kế hoạch hợp tác giữa Hội Từ Tâm Đắk Lắk với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, ngay sau Đại hội lần thứ I của Hội Từ Tâm Đắk Lắk
Bộ ba nghệ sĩ đến từ Hà Nội: Quang Mai, Rơ Chăm Phiang, Đăng Quang
Đôi bạn ca nhạc sĩ trẻ đến từ TP. Hồ Chí Minh: Nguyễn Đông-Hoàng Trang
Nhà nghiên cứu độc lập La Quốc Bảo tự giới thiệu về 2 đôi giày thổ cẩm độc bản do anh thiết kế, tặng Hội đấu giá, góp phần quảng bá giá trị thời trang của thổ cẩm

Chỉ sau 2tháng thi công, ngôi nhà sàn tình nghĩa trị giá 300 triệu đồng đã hoàn thành. Công ty TNHH TMDV XNK Đăng Phong đến thi công, tài trợ hệ thống giếng khoan, máy bơm, bồn chứa nước. Đồng bào trong Buôn nô nức đến dọn cỏ, trồng hoa, làm đẹp công trình. Hội Từ Tâm Đắk Lắk cùng Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch Đắk Lắk tổ chức lễ trao tặng nhà sàn cho nhóm thợ dệt vào sáng ngày 30/08/2022, ngay trước Lễ Quốc Khánh, trong niềm vui tưng bừng của đồng bào Buôn Hra Ea Hning.  

Từ nay, các mẹ chị có thể đến nhà sàn ngồi dệt bất cứ lúc nào, không sợ nắng mưa

Cuối năm 2023, Quỹ Từ Tâm Đắk Lắk ra đời, tiếp tục triển khai một số hoạt động thiện nguyện Hội Từ Tâm Đắk Lắk đã khởi xướng, trong đó có chương trình giúp phụ nữ nghèo cải thiện sinh kế với nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Quỹ Từ Tâm Đắk Lắk đã nhiều lần trở lại thăm Tổ dệt ở nhà sàn Buôn Hra Ea Hning, tặng hoa cảnh, cây tạo bóng mát trồng quanh nhà sàn, tặng quà và học bổng cho các trò nghèo hiếu học của Buôn, truyền thông giúp Tổ dệt gây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, kết nối đầu ra.

Thầy thuốc Khăm Phết Lào tự tay trồng những cây hoa giấy tặng nhà sàn Buôn Hra Ea Hning
Quỹ Từ Tâm Đắk Lắk trao quà đầu năm học mới cho trò nghèo hiếu học, kỷ niệm 2 năm tặng nhà sàn

Theo báo cáo của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Dray Bhăng, những sự hỗ trợ hiệu quả này đã góp phần giúp thu nhập bình quân của Tổ dệt nâng lên rõ rệt, từ 1-1,5 triệu đồng/tháng lên đến 6-7 triệu đồng/tháng, khiến các chị càng yêu nghề, chịu khó học hỏi, không ngừng tiếp thu các đòi hỏi mới về kỹ thuật dệt-may.

Bước qua năm 2025, Quỹ Từ Tâm Đắk Lắk triển khai dự án “Nâng cao kỹ thuật dệt-may cho thợ dệt thổ cẩm Buôn Buôr ( xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột)” với nguồn tài trợ từ Chương trình Hỗ trợ Bảo vệ Di sản Văn hóa Cộng đồng (CHGP), theo sáng kiến của Hội đồng Anh tại Việt Nam, phối hợp Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy Di sản Văn hóa.

Từ đầu tháng 3/2025,Quỹ Từ Tâm Đắk Lắk đã chuyển tặng nhà sàn Buôn Buôr 2 máy may, 1 máy vắt sổ, mời 4 cô chủ các nhà may danh tiếng trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột (Thiên Trang, Ngọc Sương, Ngọc Hoa, Thanh Thủy) đến tận nơi hướng dẫn cách sử dụng máy, tạo mẫu sản phẩm cho 18 học viên đã đăng ký tham gia khóa tập huấn.

Chủ tịch UBMTTQ TP. Buôn Ma Thuột phát biểu tại lễ khai giảng lớp “Nâng cao kỹ thuật dệt-may”

Học viên và các tình nguyện viên chuẩn bị mặt bằng triển khai lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật dệt-may thổ cẩm truyền thống Ê Đê xã Hoà Xuân

Cô giáo hướng dẫn học viên sử dụng máy may

Các cô hăng say học hỏi, chỉ bảo lẫn nhau

Đây là 1 trong 9 nhóm dự án có cùng mục tiêu trên cả nước được CHGP hỗ trợ trong năm 2025. Có lẽ vì phải “chia nhỏ” nguồn lực cho nhiều dự án khác nhau, nên khoản tài trợ khá “khiêm tốn”. Với yêu cầu cao về tính chuyên nghiệp và hiệu quả dự án, CHCP đã mời đại diện các nhóm dự án về Hà Nội dự buổi tập huấn, trình bày nghiêm túc. Quỹ Từ Tâm Đắk Lắk có bà Võ Thị Thiên Nga- Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ, và bà H’Ler Êban-Chủ tịch UBMTTQ TP. Buôn Ma Thuột cũng là nghệ nhân dệt-may thổ cẩm, đại diện nhóm thực hiện dự án ra Hà Nội dự buổi gặp gỡ thú vị này.

Đây là dịp quý để những người tâm huyết với văn hóa truyền thống chia sẻ kinh nghiệm giữ gìn phát huy, giới thiệu giá trị đặc sản văn hóa các vùng miền trên cả nước

Nhằm bảo đảm chất lượng khóa học, Quỹ Từ Tâm Đắk Lắk huy động thêm nguồn lực và sự hỗ trợ hết mình của nhiều tình nguyện viên, nên khóa tập huấn được chuẩn bị chu đáo suốt 1 tháng và tập trung học viên cả 3 Buôn thuộc xã Hòa Xuân trọn 1 tuần tại nhà sàn Buôn Buôr, từ ngày 24-29/03/2025, đã thành công tốt đẹp.

Chị Nguyễn Thị Thu Hà-Chuyên viên Hội đồng Anh tại Việt Nam (ngồi ngoài cùng bên phải), vàThS. Nguyễn Đức Tăng-Giám đốc  Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy Di sản Văn hóa từ Hà Nội (đứng thứ 3 từ trái sang) đã về thăm lớp
Từ những đôi tay khéo léo, chăm chỉ của các học viên ...
Nhiều sản phẩm đẹp mắt, tinh xảo đã thành hình, đáp ứng nhu cầu thời trang hiện đại
Quỹ Từ Tâm Đắk Lắk vinh danh các cô giáo, các tình nguyện viên có nhiều cống hiến cho cộng đồng

Khóa tập huấn đã hỗ trợ thiết bị, vật liệu, kiến thức và những kỹ năng cần thiết để các học viên người Ê Đê ở 3 Buôn của xã Hòa Xuân biết cách tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, phù hợp thời trang. Nguyện vọng của lãnh đạo xã, là thời gian tới được Quỹ Từ Tâm Đắk Lắk hỗ trợ mở thêm những lớp tương tự, giúp thế hệ cao tuổi truyền nghề cho lớp trẻ, để bảo đảm nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc bản địa được tiếp nối, gìn giữ, phát huy.